top of page

Cách cắt tỉa cành và kỹ thuật chăm sóc cây điều sau thu hoạch

maydochuyendungthb

Để đảm bảo vụ điều sau thắng lợi, cần tuân thủ kỹ thuật chăm sóc và cắt tỉa cành cây điều sau thu hoạch. Dưới đây chính là hướng dẫn chi tiết nhất cho bạn!

Cách cắt tỉa cành cây điều sau thu hoạch đúng kỹ thuật

Cắt tỉa cành điều rất quan trọng bởi vì điều này sẽ giúp cho cây có thể chuẩn bị một sức khỏe tốt để nảy mầm và ra trái nhiều hơn ở vụ sau. Công việc này được tiến hành ngay sau vụ thu hoạch kết thúc, khoảng tháng 5-6 dương lịch trước khi cây phát đợt lá mới.


Thời điểm này tiến hành tỉa mạnh (kết hợp tỉa thưa nếu mật độ dày): tỉa bỏ những cành chạm mặt đất, cành nằm phía trong tán, bị che bóng, cành bị sâu bệnh, cành vượt, cành giao tán (cắt tán rời nhau 1-1,5m).

Cần chuẩn bị một số công cụ như sau:

  • Dao kéo cắt: Giúp cắt tỉa cành già, cành thừa, lá thừa,..

  • Máy tỉa cành: Công cụ hỗ trợ bạn tạo tán cây được dễ dàng nhất.

  • Thang nhôm: Thiết bị giúp bạn tiếp cận được những vị trí cao, quá tầm với.

  • Máy cắt cỏ: Giúp làm sạch gốc và hạn chế cỏ dại phát triển.



Cách tỉa cành cây điều sau thu hoạch như sau:

  • Đối với cành lớn, dùng máy tỉa cành cắt tại vị trí cổ cành để vết cắt nhanh liền sẹo và không bị sâu bệnh tấn công vào vết cắt. Tuyệt đối không dùng dao chặt, làm cho vết chặt không liền sẹo, dẫn đến sâu bệnh tấn công hoặc mọc nhiều chồi non vô hiệu tại đoạn cành còn chừa lại.

  • Đối với các cành nhỏ trong tán, cành vô hiệu phải được tỉa bỏ bằng liềm hay kéo cắt cành. Phần lớn bà con nông dân mới chú ý cưa bỏ những cành to nằm sát mặt đất, chưa chú trọng tỉa cành vô hiệu nên công tác tỉa cành tạo tán chưa đạt yêu cầu.

  • Sau khi tỉa xong, tiến hành vệ sinh vườn, thu gom cành nhánh xếp thành luống theo đường đồng mức để cản nước, chống xói mòn và gia tăng chất mùn cho đất sau khi hoai mục. Đồng thời tiến hành bón phân đợt 1.


Kỹ thuật chăm sóc cây điều sau thu hoạch

Bón phân

Khi nắm bắt được tình hình thời tiết ta tiến hành bón phân cho cây, dùng phân bón rễ và phân bón lá. Phân bón rễ ta nên bón hai đợt:


  • Đợt 1: Sau khi tỉa cành, tạo tán, vệ sinh vườn ta bón phân nhằm phục hồi cây sau vụ thu hoạch (khoảng tháng 5 - tháng 6): bón phân NPK theo tỷ lệ 3 Đạm + 4 Lân + 1 Kali.

  • Đợt 2: Tùy thuộc vào thời điểm dứt mùa mưa (tốt nhất trước khi dứt mưa 2 - 2,5 tháng), bón theo tỷ lệ 1 Đạm + 1,5 Kali.Nếu đất bằng và có mưa dầm có thể rải phân trên mặt, nếu đất dốc nên cuốc hố bón phân (càng nhiều hố càng tốt) nhằm hạn chế sự rửa trôi và tăng hiệu quả sử dụng phân.


Tưới nước

Nên áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt để điều có thể tận dụng lượng nước tưới này để phát triển tốt nhất bạn nhé!

Sau khi thu hoạch quả xong, điều cần rất nhiều nước, chất dinh dưỡng để phục hồi cây.


Phòng trừ sâu bệnh đúng cách

Đối với bọ xít muỗi:

Thường xuất hiện và gây hại vào sáng sớm và chiều mát, chúng chích hút vào mô non của cây như lá, chồi non, hoa, quả và hạt làm cho các bộ phận bị hại héo khô và rụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng hạt.


Phòng trừ: Làm cỏ vệ sinh vườn, phát quang bụi rậm; hun khói vào sáng sớm hoặc chiều mát để xua đuổi bọ xít muỗi. Có thể dùng các loại thuốc hóa học để phun khi bọ xít mới xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ như: Cyperan 5EC, 10EC, 25EC; Tungrin 5EC, 10EC, 25EC (hoạt chất Cypermethrin ); Tungent 5SC, 100SC (hoạt chất Fipronil).

Đối với Bọ trĩ:

Bọ trĩ thường gây hại nặng cho điều vào đầu mùa khô, cao điểm vào tháng 12-2 dương lịch lúc trời nắng nóng. Bọ trĩ gây hại bằng cách cứa rách lớp biểu bì ở các bộ phận non và hút nhựa chảy ra dẫn đến lá đọt kém phát triển và có màu bạc trắng; hoa, trái non bị khô, rụng; vỏ hạt bị hiện tượng da cám, vỏ trái giả bị chai sần, nứt chảy nước và thối.


Phòng trừ: Chăm sóc cây tốt, có thể xử lý các loại thuốc trừ sâu như đối với bọ xít muỗi phun trước khi điều ra bông rộ.

Đối với bệnh thán thư:

Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, ẩm độ không khí cao. Cây chăm sóc kém, sinh trưởng yếu bị tác hại nặng.

Phòng trừ: Tăng cường chăm sóc vườn cây, tạo cho vườn thông thoáng. Khi bệnh phát sinh, có thể sử dụng thuốc trừ bệnh có hoạt chất Carbendazim như Bavistin 50WP, Carbenda 60WP, 50SC; Derosal 50SC, 60WP, hoạt chất Propineb như Antracol 70WP để phun.

Đối với sâu róm đỏ:

Thường xuất hiện và gây hại tập trung theo từng vùng, sâu ăn trụi lá làm cây mất khả năng quang hợp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.


Phòng trừ: Nông dân cần phòng trừ sâu róm đỏ trước khi điều ra bông, Khi bị sâu róm đỏ gây hại, cần ngắt bỏ kén nhộng, vệ sinh vườn để tiêu hủy nguồn sâu bệnh; sử dụng các loại thuốc như: Cyperan 5EC, 10EC, Tungent 5SC phun vào giai đoạn sâu non, làm bẫy đèn thu hút sâu trưởng thành.


Bài viết trên vừa chia sẻ về cách cắt tỉa cành và kỹ thuật chăm sóc cây điều sau thu hoạch. Bạn cần tuân thủ kỹ thuật trên để đảm bảo cho điều sinh trưởng và đem lại lợi ích kinh tế tốt nhất.


Để phục vụ cho công việc làm vườn của bà con, maydochuyendung.com phân phối các dòng máy móc nông nghiệp như máy cắt cỏ, máy tỉa hàng rào, máy kiểm tra nước, máy đo độ mặn,... Để được tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0986568014 - 0902148147 ngay hôm nay!


12 views0 comments

댓글


bottom of page